You are here

Biên giới độc lập tự do và khát vọng hòa bình

Tác giả: 
Hà Tùng Long

Nhiều cựu chiến binh đã không kìm được cảm xúc khi nghe nhạc sĩ Trương Quý Hải kể về hoàn cảnh ra đời và ôm cây đàn ghi-ta mộc mạc hát lại ca khúc “Thư về với mẹ” do ông sáng tác.

Tối 17/2, chương trình kéo dài 60 phút mang tên “Biên giới độc lập, tự do và khát vọng hoà bình” đã được phát sóng trên VTC.

Chương trình khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tôn vinh tinh thần chiến đấu quả cảm của các thế hệ người lính Việt Nam, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Các vị khách mời tham gia trong chương trình "Biên giới độc lập, tự do và khát vọng hoà bình".

Sau 40 năm, nhắc tới cuộc chiến không phải để gây thù hận mà gửi đi thông điệp: “Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và hữu nghị với các quốc gia láng giềng và với mọi quốc gia trên thế giới...”.

Nhiều nghệ sĩ như: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Mai Hoa, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Hoàng Tùng, nhạc sĩ Trương Quý Hải… đã thể hiện lại những ca khúc đã đi cùng năm tháng như: “Chiến đấu vì độc lập, tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên; “Hãy cho tôi lên đường” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp;

“Lời tạm biệt trước lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối; “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Thế Song; “Thư về với mẹ” của nhạc sĩ Trương Quý Hải, “Chiều biên giới” thơ Lò Ngân Sủn, nhạc Trần Chung và “Tổ quốc” thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhạc Lê Quang.

Không ít khán giả là những người cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đã không kìm được nước mắt khi nghe các nghệ sĩ thể hiện lại những bài hát đã gắn liền với tuổi thanh xuân của một thế hệ.

Nghẹn ngào nghe nhạc sĩ Trương Quý Hải hát "Thư về với mẹ"

Đặc biệt, khi nhạc sĩ Trương Quý Hải mặc bộ quần áo lính, cầm chiếc đàn ghi-ta ra sân khấu hát lại bài “Thư về với mẹ” do chính mình sáng tác thì nhiều người đã oà khóc nức nở.

Những người lính từng vào sinh ra tử, từng đi qua bao biến cố của cuộc đời dù tóc đã ngã màu sương khói nhưng vẫn không thể nào quên được những năm tháng mình đã đi qua cùng đồng đội. Đối với họ, mỗi lời ca là một chân trời kỷ niệm, một ký ức hào hùng nhưng cũng thấm đẫm những đau thương mất mát.

Chia sẻ cảm xúc về bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra là ông đang học năm thứ 2 khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Và ngay từ khi nghe bài hát này, ông đã cảm thấy bài hát có giai điệu rất hùng tráng, thiết tha. Ông vẫn còn nhớ như in, thế hệ của ông thời đó đã hết sức rạo rực, bồn chồn, không thể cầm lòng được khi nghe bài hát này. Nhiều sinh viên thời đó đã xung phong ra mặt trận hoặc đóng góp rất nhiều vai trò khác nhau trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do.

Xúc động bài hát "Chiến đấu vì độc lập, tự do" của Phạm Tuyên

Nhà thơ Anh Ngọc cũng bày tỏ rằng: “Tôi rất yêu quý và kính trọng nhạc sĩ Phạm Tuyên bởi ông là người viết sử bằng âm nhạc. Có thể nói ông là bậc thầy trong việc viết những ca khúc có tính thời sự hay nhất”.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể: “Tôi nhập ngũ năm 1982, khi đó chúng tôi lên tàu đi từ ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) nhưng không biết đi đâu. Mãi đến khi tàu dừng lại mới biết mình đang ở biên giới phía Bắc, cụ thể là Lào Cai. Đến năm 1984, khi giặc đánh Vị Xuyên (Hà Giang) thì chúng tôi lại được lệnh hành quân từ Lào Cai sang Vị Xuyên.

Thời đó, chúng tôi bước vào cuộc chiến bảo vệ độc lập - tự do đều vô tư như nhau cả. Khi xe đưa chúng tôi từ Lào Cai vòng qua Tuyên Quang thì trên đường đi tôi nhìn thấy những em bé, những bà mẹ, những người dân… ở hai bên đường ra vẫy tay chào rồi ném lên xe những gói kẹo, điếu thuốc… Nhưng nhớ nhất là những lời dặn: “Các anh đi khoẻ rồi về nhé!”, “Đi nhớ về nhé!”…

Có một hình ảnh mà tôi không thể nào quên đó là trước khi bước vào trận đánh, anh em trong Tiểu đoàn 3 - 876 xin được ăn hết phần cơm (mấy ngày sau) của mình. Tiểu đoàn trưởng thấy vậy nói với chính trị viên: “Cứ để anh em ăn, mai có biết ai còn mà về ăn không?”.

NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Phạm Thu Hà và Vũ Thắng Lợi thể hiện bài hát "Tổ quốc" thơ Nguyễn Thế Kỷ, nhạc Lê Quang.

Thêm một hình ảnh nữa đó là anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn giữ ở cao điểm 685 đã xin “mưa rào, mưa rào” tức là bắn pháo để địch không thể chiếm giữ được vị trí đó.

Và hình ảnh thứ ba là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã viết chữ lên báng súng “Sống hoá đá, chết hoá đá, thành bất tử” và anh Ninh đã giữ chốt 685 đến hơi thở cuối cùng.

Hình ảnh mà tôi được trực tiếp chứng kiến khi làm công tác hỗ trợ tử sĩ đó là tìm thông tin của anh em để ghi lên bia mộ thì tìm rất khó. Nhiều anh em không thể tìm thấy thông tin.

Về sau này tôi mới biết, khi được phát bút để ghi danh tính của mỗi người vào một tờ giấy rồi lồng trong túi ni-lon để trên ngực áo, phòng lỡ có hy sinh thì người làm công tác tử sĩ còn biết mà nhận dạng thì mọi người lại ghi lên ngực áo “Quyết tử vì Tổ

Phạm Thu Hà thể hiện "Bài ca trên đỉnh Pò Hèn"

Kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát “Thư về với mẹ”, nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ: “Mùa hè 1984, mặt trận Vị Xuyên nóng bỏng. Đội tuyên văn F356 tạm thời giải thể để phục vụ chiến đấu. Tôi được giao chăm sóc thương binh và hỗ trợ công tác tử sĩ sau trận đánh cao điểm 772 ngày 12/7.

Trong một lần tìm thông tin của người đồng đội hy sinh để ghi tên tuổi, quê quán lên bia mộ… tôi chỉ tìm thấy trong túi áo ngực một tờ giấy từ vỏ bao thuốc lá đã thấm máu. Mở tờ giấy ra, tôi thấy phía trên tờ giấy có dòng chữ nhoè cùng màu xanh của mực và màu đỏ của máu dòng chữ “Mẹ kính yêu!”.

Phần phía dưới máu thấm khô phần giấy trắng. Có thể đây là bức thư người đồng đội chưa kịp hoàn thành. Tôi nghẹn lòng nhớ tới mẹ mình và nghĩ về mẹ đồng đội. Tối hôm đó, ngồi bên những nấm mộ mới đắp cho anh em, tôi viết tiếp bức thư bằng những câu hát. Không giấy bút, không đàn đệm… nghĩ được câu nào hát câu ấy. Lá thư viết cho mình và cho đồng đội hy sinh, thầm mong thư về với mẹ.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.