You are here

Bàn thêm về hát ru & đồng dao

Tác giả: 
Đặng Hoành Loan

Xửa xừa xưa, ông cha chúng ta đã sáng tạo rất nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, mỗi hình thức một không gian thực hành văn hóa, mỗi không gian thực hành văn hóa đáp ứng/phản ánh một nhu cầu, một ước vọng sống của người dân. Thờ thành hoàng có nhạc rước, nhạc tế, xướng tế và các hình thức nghệ thuật hát cửa đình; thờ thánh có hát văn; thờ Phật có tán, tụng, xướng; lao động sản xuất có hò trên cạn, hò dưới nước; giải trí nam nữ có hát đúm, trống quân, ví-dặm, quan họ; thính phòng có Ca trù, Ca Huế, Ca đàn tài tử; trẻ thơ có trò hát đồng dao, hát ru... tất cả đều rành rẽ. Nhờ sự rành rẽ ấy mà nội dung từng hình thức nghệ thuật cũng rất rành rẽ.

Chúng tôi sẽ gửi tới độc giả những lời bàn về sự rành rẽ của từng hình thức nghệ thuật đã nêu ở trên trong những bài viết tới đây. Trong bài này chúng tôi chỉ xin bàn thảo thêm về ý nghĩa, nội dung và cách thức ứng xử với hai hình thức nghệ thuật âm nhạc dành riêng cho trẻ em đó là Hát ru và Đồng dao - hai hình thức nghệ thuật đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống của con người Việt Nam hiện đại.

Hát ru. - Hát ru là điệu hát đưa trẻ vào giấc ngủ, giúp trẻ nhập vào ngôn ngữ dân tộc ngay từ khi trẻ chưa biết nói. Hát tru giúp trẻ chưa biết nói nhập vào ngôn ngữ bằng "thinh" tức âm thanh của tiếng nói và bằng "âm" tức các âm vị của tiếng nói (mỗi dân tộc có một vị trí phát âm khác nhau trong vòm họng, môi và miệng) ( ). Thinh và âm là nguyên do tạo ra âm nhạc và ngôn ngữ thoại đặc thù của từng tộc người, từng quốc gia. Không chỉ thế, hát ru còn là cách làm cho trẻ mới bập bẹ nói nhập vào ngôn ngữ của mẹ và dần dần lớn lên sẽ nhập vào ý nghĩa văn học của lời ru, giúp con người hình thành nhân cách văn hóa dân tộc ngay từ đầu đời.

Có lẽ về lí thuyết chẳng ai coi thường giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của Hát ru đối với trẻ thơ. Chả thế mà ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin Trần Hoàn thời đương chức đã từng nói: "Ai cũng có một người mẹ... và ai cũng có một thời để cảm nhận sâu sắc và bồi đắp nhân cách, qua những lời ru tâm tình của mẹ... Đời này qua đời khác, tiếng hát, lời ru đã trở thành kho tàng văn nghệ dân gian quý giá, có nhiều ý nghĩa nhân văn cũng như giá trị văn học và âm nhạc…".

Nhưng rất tiếc, trong thời đại thông tin đa phương tiện, các bà mẹ trẻ lại phải làm việc đến cạn kiệt thời gian, lại bị phủ đầy muôn vàn những hình thức nghệ thuật giải trí hấp dẫn khác, thì hát ru đang dần biến mất khỏi đời sống sinh hoạt gia đình. Còn con trẻ lại bị các bà mẹ trẻ áp đặt một cách ru con ngủ kiểu mới. Thay vì ru con ngủ theo cách truyền thống, các bà mẹ cho con nằm chơi, xem các trò trên điện thoại thông minh với đủ thứ ngôn ngữ và hình ảnh nghệ thuật, mỏi mắt là nó ngủ. Cạnh nhà tôi có nhà trẻ, đến giờ các cô đặt các cháu lên giường, gõ mấy tiếng thước kẻ vào thành giường, hoặc vào bảng treo tường cùng với tiếng: nhắm mắt ngủ nào! Bọn trẻ "ngọ ngoạy" một lúc rồi cũng ngủ. Ngủ kiểu này có tính chất "cơ học", vô cảm, rất khác với khi trẻ ngủ trong tiếng hát ru êm ái, tiếng vỗ về thân thương của mẹ. Hai cách ngủ không chỉ khác nhau về chất lượng văn hóa mà cả chất lượng sinh học.

Đồng dao

Đồng dao là trò vừa chơi vừa hát, cấu thành bởi hai yếu tố: yếu tố trò và yếu tố hát.

Trò giúp cho trẻ tăng cường thể lực, tự mở rộng óc tưởng tượng, giúp trẻ biết cách tự gom bạn bè tổ chức cuộc chơi, biến báo trò chơi, sáng tạo cách chơi. Trò trong đồng dao là những trò dễ chơi, không có động tác phức tạp, không cần người hướng dẫn, chỉ đạo cuộc chơi, tất cả đều tự nhiên như sinh hoạt: chạy nhảy, nối nhau, trốn tìm, ngồi duỗi chân v.v... Do vậy trẻ rất dễ tự tổ chức, tự tìm ra các hành động thích nghi khi chơi.

Hát trong trò giúp trẻ nhập ngôn ngữ, phát triển ngôn ngữ, làm quen tiết tấu, phát triển tiết tấu âm nhạc thông qua lời ca. Lời ca đồng dao cấu tạo trên thể thơ 4 chữ, cứ hai chữ là một phách, tốc độ nhanh (Allegretto). Những từ, những câu khởi đầu bài đồng dao thường là sự kết hợp các âm tố có thanh cao thấp khác nhau để tạo giai điệu khi hát, mà không coi trọng nghĩa của các từ (có thể gọi là những hư từ). Tiếp đấy là những câu có nội dung ngắn gọn nhằm mục đích thông tin tên gọi của sự vật, sự việc, không có diễn giải để trẻ dễ nhớ tên gọi của những sự vật sự việc ấy. Cuối cùng là những câu hoặc những từ có tác dụng làm cầu nối để chuyển sang trò. Chúng tôi chia nội dung lời ca đồng dao làm hai loại.

- Một loại "cung cấp cho trẻ những tri thức thông thường về cuộc sống, theo những chủ điểm rõ ràng như đồng áng, bếp núc" như GS. Vũ Ngọc Khánh đã định nghĩa .

- Một loại các nhà nho mượn ngôn ngữ trẻ thơ, trò chơi trẻ thơ để trẻ nhập vào từ ngữ. Từ ngữ khắc họa vắn tắt nhất những cuộc tranh giành ngôi báu của các vương hầu, lãnh chúa; những biểu hiện số mệnh, thân phận, vận hạn của mỗi con người đã được định bởi trời. Bài đồng dao Chi chi chành chành là ví dụ của sự khắc họa lịch sử bằng ngôn ngữ trẻ thơ:

Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương, ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Bốn phương ù ập.

Bài này, các nhà nho đã sử dụng ngôn ngữ trẻ thơ rất tài tình để che kín sự phản kháng của mình trước những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu diễn ra trong lịch sử nước ta (tôi nghĩ rằng họ không phản ánh lịch sử nước khác, nếu có cũng chỉ mượn để nói chuyện lịch sử nước nhà). Nội dung chính của bài đồng dao này nằm ở ba câu: Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết chương / Ba vương, ngũ đế . Có thể hiểu là: một ngọn lửa nhỏ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh / Người ngựa chết/ Vương đế xưng hùng bốn phương.

Nội dung bài Chi chi cành chành làm tôi liên tưởng tới cuộc biến loạn Thập nhị sứ quân diễn ra trước thời nhà Đinh. Và gần sau đó là cuộc tranh giành quyền lực của các vương hầu nhà tiền Lê sau khi Lê Hoàn chết.

Về sự kiện lịch sử này, Đào Duy Anh viết: "Các vương hầu Ngân Tích, Long Kính và Long Đĩnh nổi loạn không chịu cho Long Việt nối ngôi vì là con thứ. Anh em đánh nhau trong 8 tháng, cuối cùng Long Việt được, tháng 11 năm 1005 lên ngôi. Nhưng chỉ được 3 ngày Long Đĩnh giết Long Việt để cướp ngôi. Long Kính và Ngự Bắc vương Long Cân lại nổi lên ở Phù Lan (thái ấp của Long Châu tại huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương) và Ngự Man vương Long Đính nổi lên ở Phong Châu (thái ấp của Long Đính tại Vĩnh Yên). Nhưng Long Đĩnh thân chinh dẹp được cả. Long Đĩnh tính thích giết người. Đối với tù nhân bắt lấy rơm quấn quanh rồi đốt cho chết, hoặc kiến một tên kép hát người Trung Hoa, nuôi sẵn trong cung, lấy dao cùn mổ bụng tù nhân không cho chết ngay. Long Đĩnh đem Tăng thống tên là Quách Ngang để đầu trọc cho nó kê mà róc mía, nó giả vờ trật tay cho băm vào đầu, máu chảy lênh láng, lấy thế làm thích thú lắm. Khi thị triều thì Long Đĩnh chỉ năm dài, vì mắc bệnh không ngồi được. Sử cũ gọi là Lê Ngọa triều. Long Đĩnh lại thường bắt làm thịt người sống để nướng cho bọn khôi hài tranh nhau ăn”.

Cách giải thích này của tôi hơi khác với cách giải thích của GS. Vũ Ngọc Khánh trong Từ điển Việt Nam Văn hóa, tín ngưỡng, phong tục. Ông viết: "Một số đồng dao, có những câu mở đầu khó hiểu, khiến cho nhiều người có khuynh hướng giải thích bằng kiến thức của nhà Nho". Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng, các bài ca đồng dao là những sản phẩm có sự tham gia của các nhà nho, thậm chí cả của các đạo sỹ, vì vậy sau này có sự giải thích đồng dao bằng kiến thức của nhà nho cũng là điều dễ hiểu. Và chúng tôi cho rằng các nhà nho cũng là người viết ra một số bài đồng dao cho trẻ, có lẽ cũng là sự thật.

Ngó sang Trung Quốc, nước có nền văn hóa lâu đời và cũng là nước có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa nước ta, hãy xem đồng dao của họ có phản ảnh những sự kiện lịch sử của họ hay không ?

Trong cuốn Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn có chép một số câu hát đồng dao trẻ em ở bên Tàu, nội dung toàn là những câu sấm truyền dành cho các bậc đế vương.

- Dưới đời vua Hiến Công nước Tấn có câu đồng dao rằng:

Bính chi thần,
Long vĩ phục thần.
Quân phục chân chân
Thủ quắc chi cân (kì).
Thuần chi bôn bôn,
Thiên sách thôn thôn.
Hỏa trung thần quân
Quắc công kì bôn.
Dịch:
Sáng ngày bính
Sao Vĩ không hiện
Quân đội mặc một màu rất dồi dào.
Đoạt lấy cơ kì nước Quắc
Sao Thuần nhấp nháy
Sao Thiên Sách lu mờ.
Sao Hỏa Trung thánh quân.
Vua Quắc Công phải bỏ chạy.

Về sau vua Hiền Công nước Tấn thắng nước Quắc, ngày tháng quả đúng với câu đồng dao này.

- Dưới thời vua Văn Công nước Lỗ có câu đồng dao rằng:

Cù dục chi vũ, 
Công tại ngoại dã.
Vãng quỹ chi mã 
Cù dục thù thù
Công tại Can hầu.
Trưng kiểu dữ nhu.
Cù dục lai sào.
Viễn tai dao dao.
Trù phủ táng lao,
Tống phủ dĩ kiêu.
Dịch:
Cánh chim sáo
Vua ở ngoài đồng.
Tặng vua con ngựa.
Chim sáo nhảy nhót.
Vua ở can hầu.
Đòi quần đòi áo
Chim sáo đến làm ổ.
Xa xôi diệu vợi.
Trù phủ nhọc nhằn
Tống phủ kiêu căng.

Về sau nước Lỗ có loài chim ấy làm ổ, Chiêu Công chạy ra nước ngoài. Định Công nối ngôi, nhất thể đúng như lời đồng dao.

- Cuối đời vua Tuyên Vương nhà Chu có câu đồng dao rằng:

Yếm hồ, 
Cơ phục, 
Thực vong Chu quốc.
Dịch:
Cây cung làm băng gỗ dâu trên núi,
Túi đựng tên làm bằng gỗ cơ,
Thật làm mất nước nhà Chu.

Về sau có người đem bán hai thứ ấy. Vua Tuyên Vương sai bắt người ấy. Người ấy chạy sang nước Quắc, rồi nuôi nàng Bao Tự đem dâng lên cho vua U Vương nhà Chu gây nên cái họa ở núi Li Sơn.

Xem như vậy thì chưa hẳn những bài hát đồng dao của trẻ em Việt Nam chỉ là "những tri thức thông thường về cuộc sống, theo những chủ điểm rõ ràng như đồng áng, bếp núc" mà các tác giả Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục đã định nghĩa. Chắc chắn, nó còn phải mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu xa hơn mà các nhà nho muốn gửi gắm. Về mặt này, giới nghiên cứu văn hóa dân gian nước ta chưa thực sự bỏ công nghiên cứu một cách toàn diện và thấu đáo. Chúng tôi công khai quan niệm của mình về những hiện tượng lịch sử được phản ảnh trong lời ca đồng dao chỉ với mục đích: mong nhận được những lời chỉ giáo của các nghà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.

Hát ru và Đồng dao là hai hình thức nghệ thuật dân gian đã đồng hành cùng dân tộc hàng ngàn năm nay, giúp một phần tạo nên bản sắc và tâm hồn Việt Nam trong trẻ thơ. Tuy nhiên hai hình thức nghệ thuật trẻ thơ này đang bị biến mất và đang được thay thế bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác, như các "trò nghệ thuật" trên điện thoại thông minh cho trẻ chơi trước khi ngủ; tổ chức những sân khấu hiện đại, trẻ em được mang trang phục muôn màu, ánh sáng xanh đỏ quay tít, nhạc trong máy phát vang vang, các cháu thi nhau múa các điệu theo đủ loại nhạc tiết tấu Hip-Hop/Rock-Rap hot nhất, các bậc phụ huynh lấy làm mãn nguyện. Đây là hiện tượng phổ biến và đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân có thật làm cho trẻ lớn lên sẽ không quan tâm đến văn hóa cội nguồn, và lạ lùng với giai điệu dân ca. Điều này thật đáng báo động, khi chúng ta vô tình đánh mất quá khứ trong tâm hồn trẻ thơ.

Trước nguy cơ ấy, những người yêu văn hóa truyền thống, quý trọng bản sắc văn hóa truyền thống nên gắng sức tuyên truyền những giá trị văn hóa, nghệ thuật của hát ru và đồng dao rộng rãi toàn xã hội; hãy đề xuất với các nhà hảo tâm, với các cấp quản lí văn hóa, các cơ quan truyền thông đưa hát ru và trò chơi đồng dao dân gian và cả các trò chơi đồng dao phát triển từ dân gian thành "Chương trình nghệ thuật trẻ thơ" trong nhà trẻ và trong các lớp 1, 2, 3 ở các trường tiểu học và trên các chương trình phát thanh, truyền hình của Trung ương và các địa phương.

Trẻ em được nghe hát ru, được chơi trò chơi và hát đồng dao sẽ là tiền đề quan trọng để bảo tồn "gien văn hóa và nghệ thuật Việt Nam" trước nguy cơ trẻ em bị biến đổi gien văn hóa khi các sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa quốc tế đang từng ngày tràn vào Việt Nam như nước vỡ bờ.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.