You are here

Bài phát biểu tại lễ mừng sinh nhật nhạc sĩ Văn Ký

Tác giả: 
Đỗ Hồng Quân

Trong một không khí đầm ấm chân tình, dưới mái nhà chung Âm nhạc, hôm nay Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của nhạc sĩ Văn Ký – nguyên Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và khóa II, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1957. Ông là người nhạc sĩ – chiến sĩ đã dành cả đời cho công việc để sáng tác và hoạt động xây dựng tổ chức Hội. Sự nghiệp của ông gắn liền với những bước đi của cách mạng, của kháng chiến và hòa bình xây dựng, những tác phẩm của Văn Ký có sức mạnh tinh thần lớn lao những âm hưởng hào hùng trữ tình đậm đà, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn, một hiện tượng âm nhạc xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nửa sau thể kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21.

Nhạc sĩ Văn Ký đến với nghệ thuật âm nhạc từ tuổi 15. Năm 16 tuổi ông hoạt động du kích, bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng một lòng bảo vệ tổ chức. Ra tù, ở tuổi 18 Văn Ký chỉ huy du kích ở huyện, là người có tài tổ chức, chỉ huy và nổi tiếng là “cây văn nghệ”. Năm 1948, ở tuổi 20, Văn Ký trở thành anh bộ đội vệ quốc Trung đoàn 77 và trở thành đảng viên từ rất sớm, nhiều triển vọng, được cấp trên cử đi dự lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ của Liên khu IV – bộ môn âm nhạc.

Được tiếp xúc với những người thầy đầu tiên tài năng và tâm huyết như các nhạc sĩ: Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Ký sớm tìm ra con đường sự nghiệp của mình là âm nhạc. Tốt nghiệp khóa học, Văn Ký được điều động về cơ quan, Hội Văn Nghệ liên khu IV, do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ tịch. Trong Ban Chấp hành Văn nghệ liên khu cùng thời có các nhà thơ: Thanh Tịnh và Chế Lan Viên.

Văn Ký sớm bộc lộ khả năng sáng tác và trở thành nhạc sĩ nhiều triển vọng. 4 ca khúc đầu tiên được đồng bào Bình – Trị - Thiên đón nhận nồng nhiệt, đó là bài “Trâu ra” và “Qua đường quốc lộ” của Hải Châu, “Ta đào, ta rào” của Minh Hiến và “Bình Trị Thiên quật khởi” của Văn Ký được các nhạc sĩ Hải Châu và Minh Hiến dàn dựng khá công phu. Bài “Bình Trị Thiên quật khởi” sau này trở nên nổi tiếng, được danh ca Quốc Hưng thể hiện khá thành công.

Năm 1954, ở tuổi 26, nhạc sĩ Văn Ký được cử làm Trưởng đoàn Ca múa nhạc Liên khu IV ra Hà Nội dự “Đại hội Văn công toàn quốc”. Ông thể hiện rõ tài năng sáng tác và khả năng tổ chức chỉ huy chương trình biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – đang là Trưởng Ban tổ chức trù bị “Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam” đã xin lãnh đạo để Văn Ký về Hà Nội tham gia Ban trù bị thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Trong những tác phẩm âm nhạc của Văn Ký, không thể không nhắc đến “Bài ca hy vọng” được sáng tác năm 1958, ở tuổi 30. Ngay từ khi ra đời bài hát đã được phổ biến rộng rãi, lập tực được chuyển vào miền Nam, bay vào tận ngục tù của Mỹ Diệm. Một trong những nhân chứng lịch sử là bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước đã hát “Bài ca hy vọng” cùng đồng đội trong nhà tù Côn Đảo ở miền Đông Nam Bộ.

Văn Ký đã sáng tác trên 400 tác phẩm gồm ca khúc, thính phòng, giao hưởng… các tác phẩm nổi tiếng như: “Bài ca hy vọng”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Trời Hà Nội xanh”, “Mùa xuân Hà Nội”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”…

“Bài ca hy vọng” đã được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam – với giọng ca của NSND Lê Dung; và trên làn sóng phát thanh của chính quyền Sài Gòn là ca sĩ Thái Thanh, Khánh Vân... được đông đảo thính giả đón nhận nồng nhiệt, được các nhạc sĩ trong phong trào sinh viên ngưỡng mộ, coi như một “thần tương âm nhạc” cách mạng – là một nhạc sĩ cộng sản, một tài năng âm nhạc lớn.

“Bài ca hy vọng” còn bay qua biên giới: Nhật Bản, Liên Xô, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Lào… cùng ca vang khi hát bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Bài hát còn được sử dụng thường xuyên trong các kỳ thi tốt nghiệp âm nhạc, trong hội diễn, liên hoan văn nghệ, trong các cuộc thi ca nhạc chuyên nghiệp. “Bài ca hy vọng” còn được soạn cho độc tấu sáo, guitar, violon, violoncello, piano và cho dàn nhạc giao hưởng, dân tộc, sử dụng cho nhạc phim, trong các chương trình “Giai điệu tự hào”, “Những bài ca đi cùng năm tháng”, “Người của công chúng”, “Còn mãi với thời gian”, “Con đường âm nhạc”…

Ông còn là một trong những nhạc sĩ xây dựng nền khí nhạc Việt Nam, với tổ khúc Giao hưởng “Kơ-Nhí” mang đậm chất hàn lâm, đã được diễn nhiều lần tại Nga, Đức, Kazakhstan, và trong nước...

Với Văn Ký, sức sống của ông, tài năng của ông, đức độ của ông, cũng trường tồn theo thời gian, qua năm tháng, cũng sẽ trường tồn như “Bài ca hy vọng”!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.