You are here

Bài ca giao thông vận tải - Hoàng Vân

Tác giả: 
Lê Fi Fi
AttachmentSize
Image icon van.jpg2.8 MB

Bố ơi,
Con nhớ hồi mùa hè năm 2015 Bố bị một đợt ốm rất nặng. Trong những ngày chăm sóc Bố ở bệnh viện, có một lần chúng mình đã nói chuyện về bài hát "Bài ca giao thông vận tải". Bố đã chỉ huy thị tấu luôn cho con là phải chỉ huy bài này như thế nào để cho đúng với tinh thần âm nhạc ngay trên giường bệnh. Bố cũng nói đây là một trong những tác phẩm của mình mà Bố yêu thích. Con cũng rất thích bài hát này. Mỗi lần nghe lại bài hát đều mang cho con một cảm xúc thật đặc biệt, nghẹn con tim trong lồng ngực... Một bài hát đã được sinh ra trong bom đạn chiến tranh nhưng giai điệu thì thật trữ tình, tươi sáng... Con đã tự nhủ với lòng mình là sẽ có một ngày con sẽ dàn dựng lại tác phẩm này đúng như những lời Bố dặn. 
Chúng con rất tự hào về Bố!
Con nhớ Bố…

 
Bức ảnh được chị Minh Châu chụp tại bệnh viện khi Bố đang thị tấu cho con chỉ huy bài hát "Bài ca giao thông vận tải"

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể về sự ra đời của ca khúc “Bài ca Giao thông vận tải”: “Hai ca khúc Bài ca Giao thông vận tải và Bài ca sau tay lái cũng vậy, người ta nghĩ rằng bên Bộ GTVT “đặt hàng” nhưng không ai biết rằng hai ca khúc này được ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt với những cảm xúc không dễ gì có được. Với hai năm rong ruổi khắp các tỉnh thành, qua tất cả các mặt trận nóng bỏng để cảm nhận về đời sống và sự hy sinh to lớn của những người công nhân, những thanh niên xung phong xả thân làm đường, làm hoa tiêu để những tuyến xe bình yên trở đạn dược, súng ống ra tiền tuyến trong bác đã chất chứa rất nhiều cảm xúc. Những cảm xúc này càng tăng lên khi chúng ta hằng ngày muốn đi đâu, làm gì, muốn nhanh chóng được trở về nhà sau những chuyến đi xa hay muốn đi thật mau tới địa điểm nào đó với những sự kiện nóng bỏng đang chờ mà ta không cần tới xe, tàu hay máy bay ư?

“Tình cảm đó như một “tư liệu” quý để khi bác cùng một anh tài xế và một anh lái xe dự phòng đi vào đoàn 559 qua những đợt bị trải bom, tận mắt nhìn sự sống và cái chết vô cùng thảm khốc và sự hy sinh anh dũng, quên mình xả thân để giữ những con đường của các chiến sĩ, những cô gái thanh niên xung phong còn ở độ tuổi trẻ măng, đang kỳ như nụ hoa hàm tiếu he hé nở bác đã sáng tác được ca khúc Bài ca Giao thông vận tải” - ông kể tiếp.

“Thời điểm bác bật lên những giai điệu cho ca khúc này là vào lúc 3h sáng ngay ở đoạn Đường 20, khi xe tải không thể chạy nổi bởi phía dưới bùn lầy ngập ngụa còn bên trên bầu trời máy bay trải bom liên tục, cứ 5 phút một đợt, mà kinh khủng nhất là chỉ có khoảng 30% số bom nổ còn lại là bom nổ chậm. Đã thế giặc lại rất gian xảo, cứ 30 phút lại quay lại thả bom tiếp. Nhưng sau mỗi đợt như vậy, các chiến sĩ thanh niên xung phong lại ào lên dò xét, cắm cờ để báo hiệu khu vực đó có an toàn hay không? Mà cháu biết không, hầu hết những thanh niên xung phong ở đoạn đường đó là phụ nữ, có những gương mặt còn rất trẻ, má còn phớt lông măng, mắt to tròn rất quả cảm... Khi ba anh em ngồi trên cabin được hướng dẫn nhảy xuống để trú ẩn và được an toàn thì không còn nghe thấy tiếng hiệu lệnh cho xe lăn bánh, ai cũng thắc mắc là thường vào thời khắc này thì sẽ có tiếng hô ở những khúc rẽ hoặc ở từng đoạn đường vừa nguy kịch... Cả không gian im phăng phắc. Vào cái thời khắc mà người ta vừa thoát khỏi sự đeo đuổi ồn ã của cái chết và đành phải xem nó như một cuộc trốn tìm thì bỗng nhiên rơi vào sự im lặng trống trải. Bác tự hỏi: Những cô gái kia đâu? Họ trốn ở chỗ nào hay họ còn bận làm gì nữa. Nhưng không, họ đã hy sinh! Nhiều như thế, đông như thế mà đã hy sinh tất cả, trải tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình cho những chuyến xe lăn qua... Câu ca từ trên chính là dành cho những chiến sĩ tuổi hoa hàm tiếu đó và chỉ những con đường mới hiểu rõ nhất sự hy sinh cao đẹp mà nhẹ tựa lông hồng của những chiến sĩ này, phải không?”.

Tác giả: Lê Fi Fi

(Trích phỏng vấn Nhạc sĩ Hoàng Vân từ báo Giao Thông 26/4/2013)

Nghe Bài ca giao thông vận tải http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/bai-ca-giao-thong-van-tai-828.html
 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.