You are here

Âm nhạc trị liệu: sự gặp gỡ của nghệ thuật, thiền và y học

Tác giả: 
Đỗ Trường

Khi tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Miên Đức Thắng mới có cơ hội giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng về âm nhạc trị liệu và dùng nhạc Việt trị liệu một số chứng bệnh cho người Việt.


Các bạn khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân hòa ca cùng nhạc sĩ Miên Đức Thắng - Ảnh: TRÍ ĐỨC

“Bao oan khiên, bao bi tráng rồi cũng sẽ lên đường. Cứ chảy như thời gian hay chẳng còn thời gian để chảy

Trích trong ca khúc Cứ chảy như thời gian

Những ca từ trong tác phẩm của nhạc sĩ Miên Đức Thắng lướt qua tâm thức người nghe với bao nội hàm, nào “Lạ lùng thay phiền muộn. Lạ lùng thay hiềm tị. Sao mi cứ mới toanh!!!” (Lạ lùng).

Hay “Lụa là vờn giấc chiêm bao, thương đời em cứ nhả tơ cho đời. Tằm ơi tằm ngủ cho say. Dâu xanh ngàn lá đời vay của tằm. Tằm ơi tằm nặng kiếp trần. Nhân gian vẫn nhớ tấm lòng của em” (Tơ đời một thoáng); “Đêm đã già những ai còn muốn khóc, trùng tu ơi, giọt lệ nắng mưa” (Trùng tu giọt lệ)...

Hầu hết các ca khúc trị liệu của nhạc sĩ Miên Đức Thắng có chất liệu từ dân ca. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Miên Đức Thắng nói:

“Trị bệnh là trị từ gốc rễ. Gốc rễ của căn bệnh từ không gian, môi trường, văn hóa. Còn dân ca đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt.

Tôi dùng chất liệu dân ca để có thể xoa dịu cơn đau, xóa tan cảm giác tức tối, lay động cảm xúc trong ý thức người nghe.

Tôi gợi mở nhiều về hình ảnh, âm thanh làng quê, chẳng hạn như lời mẹ ru, cánh đồng xanh, tiếng sáo cánh diều... Trong y khoa gọi đây là đối chứng trị liệu”.

Điểm đặc biệt trong âm nhạc trị liệu của nhạc sĩ Miên Đức Thắng là ở đó. Bởi đa số bác sĩ thường dùng nhạc cổ điển không lời của phương Tây như của Mozart, Beethoven... để trị liệu, còn nhạc sĩ Miên Đức Thắng viết nhạc có lời, trị liệu bằng lời bài hát là chính.

Ca từ được đúc kết từ văn học, triết học.

“Tôi quan tâm một số chứng bệnh của người Việt hay mắc phải như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, tâm thần phân liệt, như cái đĩa nén được dồn tụ từ gốc rễ của gen di truyền, tác động xã hội, công việc, tình cảm...

Âm nhạc giống như thuốc, tùy căn bệnh của mỗi người sẽ có liều thuốc âm nhạc phù hợp. Về mặt hòa âm phối khí, tôi cũng đo liệu sóng, âm điệu, nhịp điệu để tùy tình trạng người bệnh sẽ cho nghe bài hát phù hợp.

Như người bệnh tim sẽ nghe nhạc khác người bệnh gan, người già bệnh sẽ có “phương thuốc” khác người trẻ bệnh” - nhạc sĩ Miên Đức Thắng nói.

Tham dự đêm nhạc giới thiệu về âm nhạc trị liệu hôm 21-6 của nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu cảm nhận:

“Giống như thơ Haiku của Nhật Bản, mỹ học sân khấu của Ấn Độ, âm nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng hướng đến cảm thức bình an trong tâm hồn và thể xác. Đó là sự gặp gỡ của nghệ thuật, thiền và y học”.

Và những bài hát của nhạc sĩ Miên Đức Thắng cũng khiến bạn Vòng Minh Nhi (18 tuổi, khiếm thị) ở mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM) “thấy thoải mái, khác với nhiều loại nhạc trước đây em từng nghe. Có bài gợi em nhớ lại tuổi học trò, có bài khi nghe em thấy quê hương trong đầu mình”.

Âm nhạc trị liệu không mới nhưng chưa thực sự phổ biến. Bác sĩ Lê Minh Luật (giảng viên khoa y học cổ truyền ĐH Y dược TP.HCM) cho hay đêm nhạc là điểm phát khởi cho các nghiên cứu và hành động sắp tới của anh cùng đồng nghiệp:

“Chúng tôi sẽ hệ thống khái quát và sắp xếp những bài hát theo từng bệnh lý. Rồi dự định mang âm nhạc trị liệu đến cho người khuyết tật ở trung tâm khuyết tật trên địa bàn thành phố, sẽ nhân rộng chữa trị cho bệnh nhân”.

Đêm nhạc của nhạc sĩ Miên Đức Thắng giới thiệu cho khán giả bốn nhóm trị liệu bằng âm nhạc: liệu pháp an thần (tiết tấu êm ái, làm dịu căng thẳng), liệu pháp giải uất (bài hát khai thông những u uất trong suy nghĩ), liệu pháp bi thắng nộ (bài hát buồn bã, da diết để chế ngự giận dữ, cuồng nộ), liệu pháp sôi động (tươi vui, tích cực).

Trong hơn hai tiếng đồng hồ của đêm nhạc, Miên Đức Thắng đã chọn lọc những ca khúc tiêu biểu nhất trong mỗi nhóm để giới thiệu đến khán giả như Hôm nay tôi lại ghét tôi, Thực phẩm mưa, Say bạn tình say...

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.