You are here

Âm nhạc qua lăng kính thị giác

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Vị nữ thần Mousike trong thần thoại Hy Lạp vốn làm nhiệm vụ liên quan đến thi ca, âm nhạc, vũ đạo. Thuở xưa, âm nhạc nằm trong tổ hợp của ba loại hình nghệ thuật: thơ, nhạc và múa. Âm nhạc trên vòm trời huyễn tưởng của thần thoại Hy Lạp cổ đại không phải loại hình nghệ thuật chuyên biệt, mà có chức năng tổng hợp. Từ đó cho thấy, thơ, nhạc, múa có mối quan hệ thân thiết với nhau rất lâu đời. Suốt chặng đường dài, thơ ca, âm nhạc và múa đã đi sang những ngả rẽ khác nhau, nhưng sợi dây vô hình vẫn liên kết chúng lại trong những dạng thức mang tính tổng hợp. Bước vào xã hội hiện đại với sự thống trị của truyền hình, dạng thức nghệ thuật tổng hợp có cơ hội phát triển trở lại trong một diện mạo mới mà trọng tâm là sân khấu ca múa nhạc.

Ca múa nhạc trên truyền hình cùng một lúc chuyển tải cả âm thanh và hình ảnh qua hai kênh nghe – nhìn tổng hợp. Đứng ở góc độ đối tượng, các thành tố tham gia đều quy tụ ca, múa, nhạc. Tuy nhiên, trên thực tế, tính tổng hợp có khả năng liên kết các thành tố dễ bị xem nhẹ, thay vào đó là tính hỗ trợ, phức hợp gia tăng. Điển hình như các màn múa minh họa trên sân khấu. Trong nhiều trường hợp, múa đóng vai trò lấp đầy chỗ trống, không ăn nhập gì với tiết mục âm nhạc hoặc chuyển tải thông điệp rời rạc, thiếu tính liên kết. Hình ảnh, bố cục sân khấu nhiều lúc chưa nhất quán về tính chất, nội dung. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, múa gia nhập sân khấu ca nhạc như một hình thức tạm trú, quá cảnh để đến với khán giả. Trong không gian nghệ thuật tổng hợp, người tiếp xúc huy động nhiều giác quan vào việc thưởng thức, cộng tồn cả kênh nghe và nhìn. Vì vậy, nếu thông điệp không nằm trong thể thống nhất sẽ khiến cho việc tiếp nhận bị phân mảnh, khó thể gom lại thành một điểm nhìn nhất quán và làm lạc mất ý nghĩa thông điệp. Tình trạng thể hiện ở nhiều màn múa minh họa cốt chạy theo vẻ đẹp hình thức, lắm khi vô nghĩa. Việc đó chẳng khác nào đặt người thưởng thức vào tình huống chia cắt kênh tiếp nhận, giống như việc sử dụng thính giác người này kết hợp với thị giác người kia. Hiện tượng cấy ghép, nhầm lẫn kênh tiếp nhận xảy ra ở cả đối tượng tiếp xúc. Như chúng ta biết, cơ quan tiếp nhận là giác quan của con người vốn mang tính tổng hợp, nên các loại hình nghệ thuật tác động cũng phải nằm trong chỉnh thể của dạng thức tổng hợp, không được tạo nên dải phân cách. Tính tổng hợp này xuất phát từ mối quan hệ tương tác đa chiều, từ bản thân dạng thức nghệ thuật cho đến đối tượng tham gia, tiếp nhận (chủ thể - khách thể). Lấy ví dụ chương trình ca nhạc “Chào 2017” chẳng hạn, ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện ca khúc “Tiếng nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bố cảnh là cây đàn piano án ngữ giữa trung tâm sân khấu, ca sĩ nép mình bên cây đàn thể hiện ca khúc. Đứng ở góc độ thị giác, đó là một cách bố cục bắt mắt mà điểm nhìn trung tâm là ca sĩ và nhạc cụ. Song, đứng ở góc độ biểu trưng, cây đàn piano chẳng ăn nhập gì với nội dung ca khúc. Lẽ ra người thiết kế sân khấu chọn cây đàn biểu trưng của âm nhạc nước tôi nhằm tạo nên một mặt bằng “môn đăng hộ đối” về biểu trưng văn hóa. Tương ứng với “Tiếng nước tôi” có tiếng đàn nước tôi, chứ không thể lấy “tiếng nước tôi” ghán ghép với “đàn xứ người”. Người thiết kế có thể chọn đàn bầu hay một nhạc cụ truyền thống có cùng giá trị biểu trưng. Tương tự như thế, cũng ở chương trình này, ca khúc “Về đây nghe em” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc do ca sĩ Quang Dũng thể hiện cũng mắc một lỗi giống nhau. Người thiết kế cho ca sĩ đứng cạnh cây đàn Harp, trong suốt quá trình thể hiện, ca sĩ không rời khỏi cây đàn như một hình thức khu trú, tương tác qua lại giữa hai hình ảnh và tất cả nằm lọt vào khung hình đã được xác định đường biên. Ở ca khúc này, hình ảnh bố cục hấp dẫn hơn cả “Tiếng nước tôi”, màn sương khói mênh mang tỏa khắp không gian sân khấu tựa như tiên cảnh. Có điều, đặt trong bối cảnh của ca khúc: “Về đây nghe em” với “về đây mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao” thì có lẽ đã chật hệ thống. Nó chẳng khác nào tình huống diễn viên đóng vai Thạch Sanh đi giầy Adidas, đeo đồng hồ Senko... Nếu hình ảnh minh họa chỉ mang tính chất trang sức thuần túy, làm đẹp, nghệ thuật dễ xa đà vào căn bệnh hình thức, nhạt nhẽo, vô hồn. Nghệ thuật hay sản phẩm mang tính chất minh họa đẹp thôi chưa đủ. Chúng ta có thể hình dung sang nhiều ngành nghề khác, như nghề báo chẳng hạn. Nếu việc chọn hình ảnh minh họa chỉ cần theo tiêu chí đẹp về thị giác, mang tính trang sức, Ban biên tập có lẽ chẳng phải lao tâm khổ tứ mà cứ chọn hình mấy cô Người mẫu xinh đẹp, tươi mát là được!

Sân khấu nghệ thuật vốn mang giá trị biểu trưng, một miền huyễn tưởng cho tâm hồn trú ngụ. Tô điểm, trang sức cho sân khấu cũng phải men theo chiều hướng tổng hợp các thành tố nhằm nhấn mạnh điểm nhìn trung tâm, chuyển tải bức thông điệp nhất quán, từ đó gắn kết các bộ phận, không cho bố cục bị chia cắt rời rạc, vụn vặt. Đương nhiên, các thành tố gắn kết với nhau một cách tự nhiên, chặt chẽ nhằm đáp ứng nhu cầu cả về thính giác lẫn thị giác. Các loại hình nghệ thuật đi kèm, như thơ ca, âm nhạc và múa nằm trong chỉnh thể hợp nhất, hay nói cách khác, chúng cùng hướng tới một điểm nhìn trung tâm.

Nhớ một lần dựng Hội diễn văn nghệ, tôi đệm đàn cho ca sĩ thể hiện ca khúc: “Hãy yêu nhau đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mải đệm đàn chẳng thèm ngó ngàng đến ngôn ngữ hình thể của người hát, đến gần hết bài mới ngẩng đầu lên nhìn, thấy ca sĩ tươi cười, hát: “Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời.”

Tôi ngỡ ngàng, hỏi: “Em có hiểu câu hát ấy nói gì không?”

...!

Em đã tham dự nghi thức tẩm liệm người chết bao giờ chưa? Tôi hỏi.

“Anh nói gì mà ghê quá! Ca sĩ nói.

Nếu em từng chứng kiến nghi thức tẩm liệm người quá cố vào phút cuối trong cuộc đời này sẽ hiểu được thâm ý của tác giả. Và có một điều chắc chắn, em sẽ không thể nào cười được khi hát: “Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời.”

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.